Làm sao có thể dọn sạch khối rác khổng lồ trên đỉnh Everest?

Tibet Mount Everest. Photo courtesy Göran Höglund.

Ngày 30 tháng Năm năm 1953, một nhóm đàn ông trung niên với bộ dạng tả tơi đã khui rượu (uncork) trong chiếc lều ở độ cao gần 6.500 m trên đỉnh Everest trong khung cảnh hoàng hôn. Trong số này có Edmund Hillary và Tenzing Norgay, cùng nâng cốc sau khi đặt chân lên đỉnh Everest một ngày trước đó. Nhưng họ mới chỉ hoàn thành một nửa sứ mệnh mà thôi. Đối mặt với quãng đường xuống núi không kém phần khó khăn, trưởng nhóm John Hunt đã yêu cầu các Sherpa (người sống ở khu vực dãy Himalaya, gần biên giới Nepal và Tây Tạng, mang đồ và chỉ đường cho những người leo núi) vứt bỏ hầu hết hành lý và chỉ mang theo những vật thực sự cần thiết. John không thể ngờ rằng 60 năm sau chuyến thám hiểm (expedition) lịch sử này, hơn 4.000 người ưa phiêu lưu mạo hiểm (thrill-seeker) đã chinh phục đỉnh Everest, để lại sau lưng khối rác khổng lồ trên các sườn núi tuyết phủ nơi đây.

Theo một số ước tính, đỉnh Everest hiện chứa 50 tấn rác và hơn 200 hài cốt. Những người leo núi thường vứt lại các bình (cylinder) oxy đã hết, lon nước, bình (canister) ga và lều trại trên con đường khuýc khuỷu dẫn lên đỉnh núi. Nghiêm trọng hơn thế chính là chất thải từ cơ thể người. Các dòng sông băng (glacier) mang theo phân người (excrement) làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân trong những bản làng dưới chân núi. Trước đây không hề như vậy. Trong nhiều thập kỷ, đỉnh Everest chỉ dành cho số ít những người thực sự thích mạo hiểm. Tuy nhiên, đến đầu thập niên 90, khi người dân Sherpa đi lại miệt mài trên quãng đường cao chóng mặt (vertiginous) này như tuyến đường buôn bán quen thuộc thì hoạt động leo núi thương mại ra đời. Ngày nay, những người giàu chi từ 25.000 đến 100.000 đôla, bao gồm cả phí mua giấy phép để một lần được thử cảm giác ngắm nhìn từ trên đỉnh núi. Năm ngoái, phí giấy phép đã đóng góp 3,3 triệu USD vào ngân sách Nepal. Thế nhưng số phận đỉnh núi này vẫn bị ngó lơ. Nhằm thu hút thêm du khách, chính phủ Nepal vừa thông báo sẽ giảm phí giấy phép. Quyết định này có lẽ sẽ càng gia tăng áp lực rác thải trên đỉnh núi (dù mùa leo núi năm nay đã qua, sau tai nạn lở tuyết (avalanche) ngày 18 tháng Tư khiến 16 người dân Nepal thiệt mạng).

Nhà báo Mark Jenkins của tờ National Geographic, người đã đặt chân lên đỉnh Everest năm 2012, khẳng định sức chứa của Everest đã đến mức giới hạn. Thật khó để dọn sạch khối rác này trong khi người ta vẫn nườm nượp đổ về đây. Đào bới hàng đống rác đóng băng chỉ với cuốc chim và bao tải là công việc hết sức nặng nhọc (backbreaking) và không có lời. Khu vực tư nhân buộc phải vào cuộc khi chính phủ không có một biện pháp cứng rắn nào (lackadaisical approach). Hàng năm, Dawa Steven Sherpa trả 100 rupees (1 đôla) cho mỗi kg rác mà người Sherpa mang xuống núi. Từ năm 2008 đến nay, hoạt động này đã giúp thu gom 15 tấn rác từ các sườn núi. Steven khẳng định 'Everest không phải là bãi rác khổng lồ'. Trên thực tế, lượng rác mỗi Sherpa thu gom thường ít dần qua các năm. Nhưng khi các sông băng tan chảy, làm lộ ra (spew out) rác thải cũ, khó có thể ước tính bao nhiêu rác còn bị chôn vùi.

Đỉnh Everest có thể học được gì từ các ngọn núi nổi tiếng khác? Jenkins đề cập đến hệ thống kiểm lâm (ranger) tại Denali, ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ, nơi ông từng đến vào năm 2000. Các nhà chức trách tại đây có những đợt kiểm tra đột xuất tới các địa điểm cắm trại khác nhau và khiển trách bất kỳ ai xả rác. Đối với đỉnh Everest, người Sherpa vốn quen với độ cao có thể làm công việc của các kiểm lâm nói trên (wear the ranger's hat) để đổi lấy nguồn thu nhập ổn định. Trong khi đó, ồn ào xung quanh vấn đề rác thải trên Everest đã buộc chính phủ Nepal phải hành động. Gần đây, họ đã ra quy định mỗi người phải mang theo 8 kg rác xuống núi nếu không muốn mất 4.000 đôla tiền đặt cọc. Russell Brice, giám đốc công ty lữ hành lớn nhất tại Everest, cho rằng phải mang thêm đồ từ độ cao 8.500m xuống thật đáng sợ nhưng không phải không thể. Các Sherpa thực hiện nhiều chuyến mang đồ lên núi, khi xuống thường đi tay không. Có thể trong hành trình trở về, những người Sherpa này sẽ thay mặt du khách mang 8kg xuống một cách dễ dàng và mau lẹ. Với 800 người chinh phục Everest mỗi mùa leo núi, ước tính mỗi năm sẽ có khoảng 6,4 tấn rác thải được thu dọn. Tuy muộn, nhưng cũng đã bắt đầu.

Phương Thùy
The Economist

Tags: economics

9 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc