Cuộc cách mạng của Benjamin Graham: trận chiến vì lợi ích cổ đông

John D. Rockefeller và con trai, John D. Rockefeller Jr., năm 1915. Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ), Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

By Joe Carlen / Phương Thùy dịch, Sơn Phạm (hiệu đính)

Ngày nay, Benjamin Graham chủ yếu được biết đến là thầy dạy đầu tư cho Warren Buffett và là cha đẻ của đầu tư giá trị. Về cuối đời, trong ấn bản cuốn 'Nhà đầu tư thông minh' năm 1973, Graham đã viết 'Kể từ năm 1934, trong các bài viết của mình, chúng tôi đã biện luận ủng hộ thái độ năng động và thông minh hơn của cổ đông đối với những người quản lý cho họ'.

Thậm chí trước khi xuất bản cuốn sách đầu tay (đồng tác giả với David Dodd) vào năm 1934, Graham đã nêu lên quan điểm của mình về quyền cổ đông trên các tờ báo tài chính lúc bấy giờ. Loạt bài báo Gramham viết cho tạp chí Forbes năm 1932 - như 'Phải chăng các tập đoàn đang bòn rút (milking) chính chủ nhân của chúng?' hay 'Các tập đoàn giàu có nên trả lại tiền mặt cho cổ đông?' – có lẽ là đóng góp nổi bật nhất của ông.

Giống như hầu hết kiến thức đầu tư của Graham, những bài viết của ông về chủ nghĩa cổ đông chủ động (shareholder activism) vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay, đặc biệt khi xét đến những tranh chấp nổi tiếng gần đây giữa các cổ đông tích cực với những công ty đại chúng lừng danh. Bên cạnh đó là hàng loạt các ví dụ tương tự, chẳng hạn như quỹ đầu tư Greenlight Capital Inc. do David Einhorn đứng đầu đã nỗ lực buộc Apple phải chia thêm lợi tức cho cổ đông hay chiến dịch của Carl Icahn nhằm đạt được những điều khoản mua lại (buyout) có lợi cho cổ đông của Dell Inc. (Dell).

Standard Oil
Apple và Dell là hai nhãn hiệu nổi tiếng nhất của nước Mỹ đầu thế kỷ 21. Tám mươi bảy năm trước, tập đoàn Standard Oil của John D. Rockefeller cũng có vị thế tương tự, và Graham nhìn các công ty con của Standard Oil như là những cơ hội đầu tư. Rockefeller vẫn là người giàu nhất trong lịch sử nước Mỹ và cũng là doanh nhân nổi tiếng nhất trong thời đại của ông, được biết đến nhờ lòng bác ái và thiên hướng (penchant) kinh doanh táo bạo.

Về thiên hướng kinh doanh táo bạo của Rokefeller, với đạo luật chống độc quyền Sherman Antitrust Act, chính phủ Mỹ đã hạn chế những hoạt động bị coi là mang tính độc quyền của Rockefeller bằng cách chia tách Standard Oil thành 34 công ty con vào năm 1911. Northern Pipe Line Co., một trong số các công ty con độc lập này và là một trong tám công ty chịu trách nhiệm vận chuyển dầu thô đến các nhà máy lọc dầu của Standard Oil. Năm 1926, các công ty này được yêu cầu nộp tài liệu về Ủy ban Thương mại liên bang (Interstate Commerce Commission - ICC). Chàng thanh niên trẻ tuổi Ben Graham đã xem xét báo cáo tài chính có phần cẩu thả (cursory) của Northern Pipe Line, một báo cáo chỉ như bản phác họa của bảng cân đối kế toán. Graham đã lên tàu đi Washington và kiểm tra báo cáo đầy đủ của công ty này trong phòng lưu trữ của Ủy ban. Đây thực sự là một chuyến đi định mệnh.

Graham đã phát hiện ra các cổ đông của Northern Pipe Line không biết rằng công ty này nắm giữ 95 đô la/cổ phiếu từ các trái phiếu đường sắt và nhiều tài sản luân chuyển (liquid assets) khác. Trong khi đó, cổ phiếu công ty chỉ được bán ở mức 65 đô la/cổ phiếu. Nhiều thập kỷ sau, Graham nhớ lại: 'Tôi đã ở đó, như một Cortez-Balboa dũng cảm (stout), khám phá ra Thái Bình Dương mới bằng đôi mắt chim đại bàng. Sau ngần ấy năm, tôi vẫn không hiểu sao không một ai trong ngành kinh doanh chứng khoán nghĩ tới việc đọc cái tài liệu ở ICC'.

Thực chất, Graham đã một mình phát hiện ra khối tài sản khổng lồ ẩn trong cổ phiếu của một thành viên trước đây trong tập đoàn Standard Oil. Vì vậy, ngay năm đó (1926), sau khi phát hiện ra bí mật trên, công ty của Graham đã mua rất nhiều cổ phiếu của công ty này, nắm giữ tới gần 5% số lượng cổ phiếu của nó.

Nhưng Graham cũng sớm nhận ra rằng chỉ thuyết phục suông thì sẽ không thể khiến cho ban giám đốc của Northern Piple Line từ bỏ quyền nắm giữ khối tài sản kếch sù này. Thực tế, họ đã ngăn chặn (thwart) yêu cầu trả 90 đô la trong số 95 đô la thặng dư/ cổ phiếu từ tài sản luân chuyển của công ty, mặc dù, Graham tranh luận rằng công ty đã thu về doanh số 300.000 USD mỗi năm và sở hữu 3,6 triệu USD trái phiếu đường sắt nằm ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, vì vậy, phân chia phần lớn số tài sản này cho những người chủ hợp pháp của nó – các cổ đông của Northern Pipe Line – là vô cùng hợp lý. Trái lại, ban giám đốc công ty không hề suy chuyển, và Graham chẳng thể trông cậy được vào gì khác ngoài việc đấu tranh vì lợi ích cổ đông.

Bầu quyền đại diện (Proxy votes) 
Trong cuộc họp cổ đông hàng năm năm 1927 của Northern Pipe Line, Graham đã trực tiếp trình bày tranh luận của mình với các cổ đông. Ban giám đốc đã ngăn chặn (foil) hành động này bằng cách nêu lên chi tiết kỹ thuật là Graham đã chẳng thể tìm được ai ủng hộ (second) đề xuất (motion) của mình. Graham đã không hề nao núng (undeterred), và tại cuộc họp cổ đông năm 1928, Graham tiếp tục viết kiến nghị với sự ủng hộ của rất nhiều cổ đông khác, nắm giữ tới gần 40% cổ phiếu của công ty. Mặc dù ban giám đốc đã ra sức từ chối, nhưng sau đó buộc phải chấp nhận bầu Graham vào ban lãnh đạo và sau đó Graham đã chia 70 đô la / cổ phiếu thặng dư tài sản luân chuyển cho các cổ đông. Công ty của Graham là cổ đông lớn thứ hai, và cổ đông lớn nhất không ai khác chính là Rokefeller Foundation của John D. Rockefeller.

Chẳng bao lâu sau, Graham biết được rằng Rockefeller không chỉ chấp thuận chiến dịch của mình mà thành công của nó còn thúc đẩy ông trùm (tycoon) 'già cả' này đứng về lập trường cổ đông tích cực. Lấy Northern Pipe Line làm ví dụ, Rockefeller (người mà Graham được gặp 3 lần) đã vươn tới các thành viên Standard Oil khác trước đây có thặng dư tài sản luân chuyển trong sổ sách kế toán. Rockefeller Foundation vẫn nắm giữ vị trí quan trọng trong các công ty này và bản thân Rockefeller cũng muốn sử dụng ngay những phần lợi tức được chia này để mở rộng tổ chức phi lợi nhuận của mình. Dù chần chừ nhưng các công ty này vẫn phải chia trả cổ tức theo yêu cầu của cổ đông.

Hiệu ứng lan truyền (ripple) trong các công ty thành viên của Rockefeller là lý do giải thích tại sao thành công của Graham, thường được biết đến với tên 'Vụ Northern Pipeline' đã góp phần củng cố danh tiếng của ông với tư cách là một nhà phân tích hiếm có và một nhà hoạt động tích cực. Năm 1923, Graham viết, các cổ đông 'dễ quên rằng họ là chủ nhân đích thực của công ty chứ không chỉ là người sở hữu báo giá cổ phiếu'.

Đây là lời khuyên hữu ích trong bối cảnh năm 1932 và cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

(Joe Carlen là tác giả của cuốn 'Einstein của tiền tệ: Cuộc đời và sự thông tuệ tài chính bất hủ của Benjamin Graham' - 'The Einstein of Money: The Life and Timeless Financial Wisdom of Benjamin Graham' và là nhà phân tích tài chính hàng đầu tại Know Thy Market, LLC.)

Bloomberg


Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc