Vì sao Exxon Mobil ủng hộ thuế carbon?

Photo courtesy Beta-J.

"Tôi nghĩ đánh thuế carbon không phải là giải pháp" John Watson, ông chủ của công ty dầu khí Mỹ Chevron, khẳng định trong một phát biểu được tờ Financial Times đưa tin hồi tháng Sáu. "Tôi chưa bao giờ thấy một khách hàng nào đến gặp tôi và yêu cầu được trả giá cao hơn cho dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm khác." Chắc là tất cả các doanh nghiệp dầu mỏ và khí đốt đều chung quan điểm không ủng hộ như vậy. Suy cho cùng, khoản thuế đối với carbon dioxide, dù thông qua hệ thống cap-and-trade (mua bán hạn ngạch ô nhiễm) theo hệ thống thương mại phát thải của Liên minh châu Âu, hay thông qua thuế carbon, đối với ngành dầu khí thì việc này được chào đón cũng như như gà tây đón chờ Giáng sinh vậy. Tuy nhiên, kể từ năm 2007, Exxon Mobil, công ty dầu khí niêm yết công khai lớn nhất thế giới, đã đề xuất một mức thuế carbon và tự đặt mức giá bóng trên mỗi tấn CO2 do họ thải ra. Và trong thời gian đến khi hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được khai mạc ở Paris vào cuối tháng này, sáu ông lớn của ngành dầu khí châu Âu đã ủng hộ hệ thống định giá carbon. Liệu họ có thật sự nghiêm túc? Nếu vậy, vì sao lại có sự nhượng bộ này?

Những người hoài nghi cho rằng đây chỉ là một nước cờ quan hệ công chúng, chứ không phải một cam kết để thế giới từ bỏ các loại nhiên liệu hóa thạch - vẫn chiếm đến 87% cơ cấu năng lượng toàn cầu. Họ cho rằng các công ty dầu khí ủng hộ định giá carbon đẩy việc thực hiện chính sách này cho chính phủ, trong khi thừa hiểu rằng giá xăng dầu tăng cao sẽ làm mất phiếu bầu của nhiều chính trị gia ứng cử viên ở nhiều quốc gia trên thế giới. Và họ chỉ ra rằng ngành công nghiệp này đã bị phân hóa. Các công ty dầu khí quốc doanh cũng hoài nghi như ông Watson. Và cũng giống như Chevron, Exxon Mobil từ chối đứng chung với sáu công ty năng lượng châu Âu kí thỉnh nguyện thư gửi tới Liên Hợp Quốc.

Nhưng càng phân hóa, ngành công nghiệp này càng có ít ảnh hưởng tới vận động hành lang. Và có những lí do cho thấy ủng hộ thuế carbon có thể sẽ làm lợi cho ngành dầu khí. Đầu tiên, thuế này cho phép các công ty dầu khí phát động cuộc tấn công ngầm đối với than - nhiên liệu hóa thạch bẩn hơn nhưng rẻ hơn. Bob Dudley, ông chủ của BP - công ty đầu khí lớn của Vương quốc Anh, nói rằng chỉ cần chuyển 1% năng lượng sản sinh từ các nhà máy nhiệt điện đốt than sang sản xuất tại các nhà máy chạy bằng khí tự nhiên cũng giúp cắt giảm một lượng khí thải CO2 toàn cầu tương đương với việc gia tăng sản lượng năng lượng tái tạo tới 11%. Ngành công nghiệp đang chú trọng khí đốt tự nhiên hơn so với dầu (ví dụ BP đang gia tăng tỉ lệ khí so với dầu từ 50:50 lên 60:40). Các nhà máy nhiệt điện đốt than đang bị xóa sổ ở hầu khắp các nước phát triển. Hơn thế nữa, giá carbon cao có thể giúp các nhà đầu tư dễ dàng quyết định nơi đầu tư trong tương lai. Giống như Exxon Mobil, nhiều công ty dầu khí đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên giá carbon ước tính . Thế nhưng mức giá nằm trong khoảng dưới 5 USD một tấn C02 đến hơn 150 USD; rủi ro bất định rất lớn và không lường được.

Cuối cùng, ngành dầu khí cần chủ động thực hiện sáng kiến thách thức biến đổi khí hậu, dù công tác PR mang lại nhiều động lực đến đâu. Các cổ đông đang đe dọa thoái vốn từ các doanh nghiệp than. Nhiều lo ngại cho rằng phong trào "loại bỏ carbon" có thể khiến các công ty hàng đầu mắc kẹt với khối lượng lớn trữ lượng tồn đọng hoặc không thể đốt cháy. Tuy nhiên, định giá carbon là một chuyện và thực hiện nó lại là một chuyện khác. Năm 2009, Exxon Mobil phản đối dự luật cap-and-trade (mua bán hạn ngạch ô nhiễm) ở Mỹ vì cho rằng thuế carbon sẽ tốt hơn. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa có hệ thống nào. Và mặc dù các công ty lớn tiếng kêu gọi đánh thuế carbon, họ ít khi hối thúc việc ra đời luật định giá carbon, như American Carbon Fee Act - đạo luật nhằm áp thuế "chi phí xã hội" carbon với mức khởi đầu là 45 USD một tấn. Những dự luật đó càng ít được ủng hộ công khai, động lực cần thiết để định giá carbon có thể được áp dụng toàn cầu càng giảm.

Phương Thùy
The Economist


Tags: economics

Post a Comment

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc