Công ty Đông Ấn: nguyên mẫu 'quá lớn để bị phá sản' đầu tiên


Tòa nhà công ty Đông Ấn, năm 1817. Nguồn: Thư viện Vương quốc Anh.

By Nick Robins / Sơn Phạm dịch

Là một tổ chức đã không còn tồn tại (defunct) gần 150 năm qua, Công ty Đông Ấn vẫn gợi lên những phản ứng mạnh mẽ trên khắp thế giới.

Năm ngoái, khi Chính phủ Ấn Độ thảo luận việc cho phép các công ty đầu tư nước ngoài mở siêu thị ở thị trường nước này, những người biểu tình đã hét lên: 'Đây là sự trở lại của Công ty Đông Ấn!' Ở Vương quốc Anh, sự thăng trầm khác thường của Công ty Đông Ấn có sự tương đồng kỳ lạ (uncanny) với những bong bóng thị trường chứng khoán và các gói giải cứu của chính phủ đã làm lung lay nền kinh tế trong hơn một thập kỷ qua.

Và ít ai tự hỏi: trong cốt lõi câu chuyện v công ty này là những câu hỏi muôn đời về việc làm thế nào để đối phó với những người quyền lực và những mối nguy hiểm của các tập đoàn đa quốc gia.

Được thành lập theo điều lệ hoàng gia vào năm 1600, và nắm giữ độc quyền tất cả thương mại với châu Á, Công ty Đông Ấn đã có nhiều hiện thân (incarnation) trong suốt 275 năm tồn tại.

Trong nửa thời gian đầu hoạt động của mình, công ty xuất khẩu vàng để trả cho các hàng hóa xa xỉ của châu Á: đầu tiên là gia vị, sau đó là hàng dệt may và chè. Trong quá trình này, công ty đã trở thành hình mẫu ban đầu cho các công ty cổ phần ngày nay và đã tiên phong trong các kỹ thuật quản lý mới đối với chuỗi cung ứng đường dài.

Công ty cũng đã tạo ra một loạt các cuộc cách mạng phong cách sống ở Anh vào thế kỷ 18. Daniel Defoe miêu tả vào năm 1708, vải in hoa (calico) của công ty, được chuyên chở về từ Ấn Độ, 'len lỏi vào từng ngôi nhà, từng tủ quần áo, trong từng phòng ngủ của chúng ta.' Sự bùng nổ vải in hoa này nhanh chóng gây ra sự kháng cự mạnh mẽ từ những người thợ dệt  Vương quốc Anh, những người cảm thấy bị đe dọa bởi dòng thác lũ hàng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á. Vào năm 1720, Chính phủ đã đối phó bằng cách ra lệnh cấm vải in hoa t Ấn Độ, và chính sau bức tường bảo hộ này mà cuộc Cách mạng Công nghiệp đã thành hình.

Sự xâm nhập từ châu Á
Một thị trường đã đóng, nhưng Công ty Đông Ấn đã tập trung lại các nỗ lực của mình cho nhu cầu ngày càng tăng đối với chè của Trung Hoa từ hai bên bờ Đại Tây Dương.

Trong khi đó, tại trụ sở chính của Công ty ở phố Leadenhall, London, các cuộc họp đại hội đồng cổ đông hàng năm đã trở thành đấu trường cho những trận chiến đáng sợ giữa ban quản trị và các cổ đông, và giữa các phe phái (clique) quản lý đối thủ với nhau.

Những cuộc chiến trong phòng họp này đã gia tăng cường độ sau Trận Plassey vào tháng Sáu năm 1757, khi công ty đã kết hợp sức mạnh quân sự và gian lận để dựng nên bù nhìn trên ngai vàng Bengal. Công ty sau đó đã chất đầy của cải trong kho bạc Bengal lên một đội 100 thuyền và chở chúng xuôi dòng đến trụ sở của mình ở Calcutta.

Chỉ với một 'nước cờ' (in one stroke), Robert Clive, người đã thiết kế chiến thắng này, giành được 2,5 triệu bảng Anh cho công ty và 234.000 bảng Anh cho bản thân ông ta. (Ngày nay, số tiền này tương đương với 262 triệu bảng 'tiền trên trời rơi xuống' cho công ty và 25 triệu bảng chi phí thành công cho Clive.) Dòng chảy của cải từ châu Âu tới châu Á giờ đây đã đổi chiều, và cổ phần của Công ty Đông Ấn tăng vọt trên thị trường London.

Tuy nhiên, sau cơn bùng nổ là vỡ nợ xảy ra. Khi hạn hán tấn công Bengal vào năm 1769, công ty đã tăng thuế và từ chối can thiệp; các con số thời đó được ước tính là gần 10 triệu người đã chết trong nạn đói sau đó. Ở London, cổ phẩn của Công ty Đông Ấn sụt giảm do xung đột ở Nam Ấn Độ. Điều này đã gây nên cuộc khủng hoảng tín dụng rộng hơn, buộc ban giám đốc công ty cầu xin Chính phủ cứu trợ vào mùa hè năm 1772. Vai trò trọng tâm của Công ty Đông Ấn trong các tham vọng thương mại và đế quốc của Vương quốc Anh có nghĩa đây là công ty 'quá lớn để bị phá sản' đầu tiên.

Đảng trà
Chính phủ Vương quốc Anh đã cố gắng đảm bảo rằng Công ty Đông Ấn sẽ hồi phục hoàn toàn sau khi trả hết nợ. Một trong các tài sản của công ty là khối lượng khổng lồ chè chưa bán. Thay vì nhập khẩu chè cho Vương quốc Anh và sau đó để những nhà bán buôn chuyên chở xuyên Đại Tây Dương, công ty được trao quyền xuất khẩu chè trực tiếp cho các thuộc địa ở châu Mỹ của Vương quốc Anh.

Sự xuất hiện công ty gây tranh cãi này đã thổi bùng lên các cuộc biểu tình phản đối chống lại thuế đánh vào chè của Vương quốc Anh. Kết quả là phong trào Boston Tea Party vào tháng 12 năm 1773 nổ ra. Tại đây, chè Trung Hoa được mua bằng tiền Bengal bởi một công ty Vương quốc Anh đã bị vứt xuống biển bởi những người Mỹ yêu nước ăn mặc như 'người Ấn'. Đây  chính là toàn cầu hóa kiểu thế kỷ 18.

Sự sụp đổ của Công ty Đông Ấn là nghiên cứu tình huống cho Adam Smith trong cuốn 'Nguồn gốc của cải của các quốc gia.' Smith lập luận rằng sự đánh thuế lên các thuộc địa châu Âu, và thông lệ tập đoàn độc quyền, đã ngăn cản Thời kỳ Khám phá (Age of Discovery) không đạt được sự lan tỏa lợi ích thương mại cho nhiều người. Vào thời điểm ông tái bản cuốn sách lần thứ 3, Smith đã thậm chí bị thuyết phục hơn bởi 'Sự ngu xuẩn và gây hại của hầu hết các công ty theo ấn chiếu (chartered company) của chúng ta.' Và ông bổ sung một chỉ trích mới về mô hình công ty cổ phần: 'Sự cẩu thả và chi tiêu hoang phí sẽ luôn chiếm ưu thế, không nhiều thì ít, trong việc quản lý một công ty như vậy,' ông kết luận.

Lợi nhuận từ chè đã giúp Công ty Đông Ấn cuối cùng cũng hồi phục. Nhưng thành công thương mại quyến rũ này lại dựa trên một bí mật chết người: Vào đầu thế kỷ 19, tăng trưởng trong kinh doanh chè có được từ tiền buôn lậu số lượng lớn thuốc phiện từ các lãnh thổ Ấn Độ của công ty vào Trung Hoa. Và ở Ấn Độ, công ty đã phải chuyển sự chú ý của mình từ thương mại sang chinh phục, sử dụng lực lượng quân đội riêng để tiếp quản phần lớn tiểu lục địa này.

Lỗi thời
Ở Vương quốc Anh, những người ủng hộ thương mại tự do lấy cảm hứng từ Smith đã giành chiến thắng trong việc gỡ bỏ độc quyền của Công ty Đông Ấn trong thương mại với Ấn Độ vào năm 1813 và với Trung Hoa vào năm 1833. Ngày càng trở nên lỗi thời (anachronism), Công ty Đông Ấn vẫn tiếp tục chỉ như quản trị viên các cuộc chinh phục ở Ấn Độ cho tới khi những người lính Ấn (sepoy) nổi dậy vào năm 1857.

John Stuart Mill, giám đốc điều hành hàng đầu của Công ty, đã bảo vệ công ty khỏi những cuộc tấn công dữ dội trong Quốc hội, nhưng ông không thể ngăn chặn điều không thể tránh khỏi. Công ty bị tước bỏ các trách nhiệm hoạt động của mình, và British Raj (sự cai trị của Vương quốc Anh ở tiểu lục địa Ấn Độ) bắt đầu.

Nếu bạn đến địa điểm tòa nhà Công ty Đông Ấn vào những ngày này, bạn sẽ không thấy tấm biển nào bên ngoài đánh dấu nơi đây từng là nơi một tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới đã từng thống trị cả thương mại và các lãnh thổ đặt trụ sở. Với việc nền kinh tế toàn cầu ngày nay đang dần chuyển hướng sang châu Á, khả năng thấu hiểu được hành trình phi thường của Công ty Đông Ấn có thể quan trọng hơn bao giờ hết nếu chúng ta muốn hiểu những cú sốc sẽ còn xảy ra sắp tới.

(Nick Robins là tác giả cuốn 'Tập đoàn đã thay đổi Thế giới: Công ty Đông Ấn định hình đa phương hiện đại như thế nào' - "The Corporation that Changed the World: How the East India Company Shaped the Modern Multinational."

Bloomberg

Giải pháp chống khủng hoảng nợ tồi tệ nhất mà một nước có thể nghĩ ra
Tags: economics

2 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc