Nhật Bản nới lỏng tiền tệ: Kinh nghiệm từ những năm 1930


Korekiyo Takahashi, trái, trong một bức ảnh không rõ ngày tháng, có sự nghiệp lâu dài trong khu vực công, và từng là Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản trong những năm 1930. Nguồn: Thư viện Quốc hội (Mỹ). Phòng In ấn và Nhiếp ảnh.

By Michael Schiltz / Sơn Phạm dịch

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa quyết định có hành động táo bạo nhằm đảo ngược tình hình suy giảm kinh tế ở nước này.

Tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Haruhiko Kuroda, tuyên bố 'một quy mô mới trong nới lỏng tiền tệ', cam kết sẽ tăng gấp đôi lượng mua vào trái phiếu chính phủ và mở rộng cơ sở tiền. BOJ cũng chính thức chấp thuận và áp dụng mục tiêu đã tuyên bố trước đó là lạm phát 2 phần trăm trong vòng 2 năm. Nới lỏng định lượng sẽ là công việc chính của Ngân hàng này trong tương lai gần, một chiến lược giống với phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối với sự sụp đổ của Lehman Brothers Holdings Inc.

Các hành động của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đánh dấu, phần nào, sự quay lại với các nỗ lực không chính thống của Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản trong những năm 1930, Korekiyo Takahashi, người được Chủ tịch Fed ca ngợi vì đã 'xuất sắc cứu nguy Nhật Bản khỏi Đại khủng hoảng thông qua các chính sách tái lạm phát'.

Takahashi gần đây đã lại nhận được sự chú ý của các nhà kinh tế, các sử gia và các nhà lập chính sách. Ở Nhật Bản, số lượng các ấn phẩm phổ biến về Takahashi cho thấy sự tiếp bước các chính sách của ông. Một cuốn tiểu sử của tác giả Richard Smethurst, 'Từ người lính bộ binh lên Bộ trưởng Tài chính: Takahashi Korekiyo, Keynes của Nhật Bản,' đã trở thành cuốn sách học thuật nổi tiếng khi được phát hành bằng tiếng Nhật vào năm 2010.

Trang phục Nhật Bản
Sự trở lại của Takahashi được củng cố bởi 'tính Nhật Bản' của ông. Phong cách thân thiện của ông mang lại cho ông biệt danh trìu mến 'Daruma', một liên tưởng tới vị thần Phật giáo bụng phệ và biểu tượng của sự may mắn. Ông thường được chụp ảnh trong bộ trang phục truyền thống Nhật Bản, một sự tương phản rõ rệt với người tiền nhiệm thân Anh và không được công chúng mấy biết đến của ông, Inoue Junnosuke, người đã có chính sách bản vị vàng phương Tây bị chỉ trích là đã mang cuộc Đại khủng hoảng tới Nhật Bản. (Junnosuke hầu như được chụp  ảnh trong các bộ âu phục phương Tây.)

Takahashi đã có một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Sau khi trở lại chế độ bản vị vàng ở ngang mức trước Chiến tranh, đất nước này đã hứng chịu hai năm giảm phát tới hơn 10%. Vương quốc Anh là nước đầu tiên từ bỏ bản vị vàng, nhưng, như Barry Eichengreen chỉ ra trong cuốn 'Những chiếc gông bằng vàng: Chế độ bản vị vàng và cuộc Đại khủng hoảng, 1919-1939,' - 'Golden Fetters: The Gold Standard and the Great Depression, 1919-1939,' Nhật Bản có lẽ mới là nước đầu tiên từ bỏ các chuẩn mực của chế độ bản vị vàng. (Đối với Vương quốc Anh, từ bỏ vàng ban đầu được trình bày như là một phương sách trong thời kì khủng hoảng.)

Đoán trước bản cáo trạng sau này của John Maynard Keynes về chế độ bản vị vàng như là một di tích man rợ, các chính sách của Takahashi đã triệt để thách thức tính chính thống những người ủng hộ thanh toán nợ (liquidationist) vào thời điểm đó. Sau khi phá giá đồng yen, ông cũng đã hủy bỏ giới hạn chuẩn (fiducial) cho việc phát hành tiền giấy BOJ. Sau đó, ông bắt tay vào chương trình mở rộng tài khóa và giảm hơn nữa tỉ lệ chiết khấu chính thức. Một trong những yếu tố trọng tâm các chính sách của ông là 'hệ thống bảo đảm' (undertaking system, hikiuke), yêu cầu BOJ phải mua trái phiếu chính phủ lãi suất thấp để bù vào sự chênh lệch chi thu ngân sách.

Tuy nhiên, khó có thể phân biệt rạch ròi từng yếu tố của kế hoạch của Takahashi về tỉ giá hối đoái mở rộng, chính sách tiền tệ và tài khóa, chứ chưa nói đến việc tách biệt cụ thể tác động của từng yếu tố này đối với nền kinh tế Nhật Bản những năm 1930.

Một số người lập luận rằng chính sách tiền tệ dễ dãi thúc đẩy sự hồi phục. Số khác cho rằng chính sách kích thích tài khóa mới là yếu tố mấu chốt. Gần đây, các sử gia kinh tế Masahiko Shibamoto và Masato Shizume khẳng định rằng những thay đổi trong tỷ giá hối đoái mới là yếu tố đóng góp lớn nhất vào sự hồi phục kinh tế ở Nhật Bản trong thời kì Đại khủng hoảng, chính sách tài khóa, nếu có, chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Thay đổi kỳ vọng
Có vẻ như các lãnh đạo BOJ ngày nay đã nghiên cứu công trình của Shibamoto và Shizume, bởi vì phương sách mới của Ngân hàng này hoàn toàn trong lĩnh vực chính sách tiền tệ dài hạn, không phải tài khóa mà cũng không phải chính sách ngắn hạn. Ví dụ, chương trình mua tài sản trước đây thông qua nghiệp vụ thị trường mở cũng đã được dừng lại. Trọng tâm hiện nay hoàn toàn nhằm vào việc mở rộng cơ sở tiền t và hạ thấp tỉ lệ lãi suất thực, do đó làm tăng chi phí cận biên của việc nắm giữ tiền. Mục tiêu của chương trình là 'thay đổi mạnh mẽ kì vọng của các thị trường và các thực thể kinh tế.'

Việc BOJ nghiêm túc về các dự định của mình cũng được nhấn mạnh bởi quyết định của Ngân hàng này trong việc từ bỏ một số quyền tự chủ. Giống như trong thời kì của Takahashi, các cơ quan thẩm quyền về tài khóa và tiền tệ ngày nay bắt buộc phải hợp tác. Điều này góp phần kiềm chế xu hướng thiên về giảm phát là điển hình của các ngân hàng trung ương độc lập, và trao tín nhiệm hơn nữa cho các nỗ lực của BOJ để thay đổi các kì vọng của những người tham gia thị trường.

Cho dù như vậy, nhưng thế kỉ 21 không phải những năm 1930. Liệu 'lời cam kết sẽ vô trách nhiệm' của BOJ có thành công trong bối cảnh tài chính đã phức tạp hơn nhiều? Người Nhật Bản thường bị buộc tội vì tiến hành chiến tranh tiền tệ, và các nhà đầu tư nước ngoài có thể được cảnh giác về sự xói mòn tính độc lập của ngân hàng trung ương, được cho là dẫn tới thâm hụt chi tiêu không bị hạn chế của Chính phủ.

Chúng ta đã từng ở trong hoàn cảnh này. Những lập luận tương tự cũng được các Thống đốc ngân hàng Trung ương trên thế giới trong những năm 1930 lên tiếng, và cuối cùng họ đã nhận ra là mình ở bên phía sai lầm của lịch sử (they ultimately found themselves on the wrong side of history).

Bloomberg

(Michael Schiltz là phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu cao cấp về châu Á, Đại học Tokyo. Ông là tác giả cuốn 'Các chuyên gia quản lý tiền từ Nhật Bản: Tài chính, chủ nghĩa đế quốc và sự hình thành khối đồng yên, 1895 - 1937.' - "The Money Doctors From Japan: Finance, Imperialism, and the Building of the Yen Bloc, 1895-1937."


Di tích man rợ
Kết quả không ngờ từ cách tính GDP cổ điển
Ý tưởng tài tình của Benjamin Graham để tránh các cuộc Chiến tranh tiền tệ
Truyền thuyết về sư tổ Bồ Đề Đạt Ma
Búp bê truyền thống Nhật Bản
Tags: japan

3 Comments

Tin liên quan

    Tài chính

    Trung Quốc